5/5 - (3 bình chọn)

Hà Giang đi chẳng muốn về – Việt Thiên Tâm

Nhiều năm nay Hà Giang được biết đến như một trong những địa điểm hấp dẫn về du lịch vùng cao phía Bắc, với Cột mốc biên giới Lũng Cú thiêng liêng, cổng trời Quản Bạ thơ mộng, đèo Mã Pì Lèng hùng vỹ và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tuyệt đẹp. Những ai đã từng đến Hà Giang chắc hẳn sẽ không quên được cảm giác khi tay lái của chính mình chinh phục được những con đường đổ dốc dựng đứng, những vách đá tai mèo lởm chởm. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được đắm mình trong những cánh đồng hoa tam giác mạch phớt hồng. Hãy để Công ty du lịch Việt Thiên Tâm chúng tôi đồng hành cùng bạn trong những cung đường Hà Giang nhé!

  

            Tam Giác Mạch                                   Hoàng Su Phì                                     Đèo Mã Pì Lèng

Bốn mùa ở Hà Giang là bốn bức tranh kỳ vĩ, thơ mộng. Đến đây bạn sẽ được vui, say quên ngày tháng, say trong men rượu nồng và say trong cái tình của đồng bào vùng cao. Cuộc sống mộc mạc và thiên nhiên hữu tình quanh năm chính là điều khiến ai đã đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc này đều đem lòng thương nhớ.

Mùa xuân Hà Giang thu hút bởi sắc hoa mận, hoa đào với những màu sắc rực rỡ của đồng bào dân tộc nô nức trong những phiên chợ vùng cao.

Mùa hè ở Hà Giang đẹp bởi một màu xanh mượt đến ngỡ ngàng của những nương ngô, đồi thông. Du khách đến đây sẽ khó lòng bỏ qua thung lũng ngủ quên khó bảo với những cánh đồng hoa hồng trải dài tưởng như bất tận.

Đến Hà Giang mùa thu người ta còn có thể thưởng thức vô số món ăn ngon khác nhau. Đó cũng là dịp có nhiều lễ hội đặc sắc nhất là lễ hội mừng cơm mới được tổ chức vào lúc màu vàng óng của lúa đã ngập tràn trên những thửa ruộng bậc thang.

Mùa đông Hà Giang bừng sáng với hoa tam giác mạch. khi những cơn gió mùa thổi mạnh hơn, nắng vàng mùa thu dần ngả sang màu héo úa, khô hanh thì cũng là lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch bung nở tuyệt đẹp. Đây cũng là lúc du khách tìm đến Hà Giang nhiều nhất.

Đầu tiên phải kể đến kỳ quan Cao nguyên đá Đồng Văn –  Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2010. Một  bức tranh đá xám, đá chen hoa khung cảnh như vậy cho con người ta cảm giác kỳ lạ mà bất cứ ai cũng muốn khám phá nơi mà “người dân sống trong đá, chết vùi trong đá”.

Du lịch cao nguyên đá Ðồng Văn bạn được đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Biết đâu nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ khi rời xa chốn này.

Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến khung cảnh hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, hệ thống hang động và các vườn đá mang vẻ đẹp hấp dẫn lạ thường. 

 

Những bãi đá nhọn là cảnh quan đặc trưng

Vết tích đại dương trên cao nguyên đá.

Hóa thạch bọ ba thùy tìm thấy ở cao nguyên đá.

Kế đến là cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Việt Nam, nơi địa đầu tổ quốc, luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền thiêng liêng quốc gia. Chinh phục 286 bậc đá lên độ cao 1700m, đặt chân lên đỉnh Lũng Cú, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió núi rừng cao nguyên một cảm giác thiêng liêng khó tả.

 

Mã Pì Lèng – một trong ” tứ đại đỉnh đèo” của vùng đất Tây Bắc Việt Nam, ngọn đèo huyền thoại, cái tên không còn xa lạ với du khách.  Đây là cung đường đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc, dài khoảng 20 km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

Con đường đèo uốn lượn một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.

Sau khi vượt qua những con dốc, du khách đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, chợt ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Không một từ ngữ nào có thể lột tả được hết cái trùng điệp ngàn tầng ngàn lớp của núi, cái trắng xóa huyền ảo của mây, cái thẳm sâu hun hút của vực, với dòng sông Nho Quế xanh ngắt dưới chân núi.

Một mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực đèo Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía bắc. Du khách tưởng như đang ở giữa lưng chừng trời, “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, ngắm hình sông thế núi vời vợi, niềm vui tưởng chừng lan tỏa, du khách cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.

Cổng trời Quản Bạ, cái tên thoạt nghe đã thấy cuốn hút, thôi thúc những bước chân đến Hà Giang tìm “đường mây lên đến cổng trời”.

Vượt cổng trời, chinh phục cực bắc, tận hưởng cảm giác mình là người chiến thắng, du khách mới thật sự hiểu và thêm yêu đất nước mình hơn. Cổng trời Quản Bạ là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn.

Đây được coi là địa điểm lí tưởng nhất để có thể ngắm nhìn phong cảnh một dải cao nguyên đá Đồng Văn. Nhìn ngược xuống dưới, con đường vừa đi ngoằn ngoèo dốc đứng, len lỏi giữa trùng vây mây trời, núi non tầng tầng lớp lớp trùng trùng điệp điệp. Nhìn về phía trước là những cánh đồng trải dài tựa tấm thảm mượt như nhung với những ô màu vàng rực của lúa chín chen lẫn những mảng lúa xanh non và sắc nâu trầm ấm của đất núi. Những mái nhà nhỏ xinh, ấm cúng nép mình bên thảm lúa.

Nổi bật giữa thung lũng rực rỡ sắc màu ấy là ngọn núi đôi, còn gọi là núi Cô Tiên, như đôi gò bồng đảo của thiếu nữ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quản Bạ. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá.

Dinh họ Vương – Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.

Dinh thự nhà Vương ở xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc), là một công trình kiến trúc tinh xảo với nhiều hoa văn độc đáo. Với tuổi đời gần 100 năm cho thấy uy quyền của họ Vương tại vùng đất này, họ đã làm chủ cao nguyên đá Đồng Văn trong một thời gian dài.

Phố cổ Đồng Văn giữa lòng Cao nguyên đá nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc, khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau. Những ngôi nhà cổ này đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm.

Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.

 

Nói đến phố cổ, nói đến cà phê phố cổ, người ta dễ liên tưởng đến Hà Nội, hay Hội An, như một suy nghĩ đã trở thành thói quen. Cũng dễ hiểu, bởi phố cổ Đồng Văn ở miền biên viễn này trẻ hơn nhiều so với lịch sử phố cổ Hà Nội hay Hội An; và cà phê thì có vẻ là thức uống của phố thị dưới đồng bằng, chứ không phải ở vùng núi cao. Vậy mà “Cà phê Phố cổ” ở thị trấn Đồng Văn đã níu chân tất cả những ai trót bước vào đây!

 

Từ trên cao nhìn xuống, bên hai dãy phố cổ chạy vào chân núi là ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương. Chợ phiên từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao Hà Giang. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.Điểm đến không thể bỏ lỡ đó chính là phiên chợ Đồng Văn – dịp tuyệt vời nhất để chiêm ngưỡng tất cả những màu sắc tươi mới của người dân vùng cao. Không phải ở đâu mà đi chợ cũng đông vui như đi hội giống ở Hà Giang. Ngay từ sáng sớm người dân ở đây đã thức dậy dìu dắt nhau đi chợ, các cô gái trẻ diện những bộ đồ thật đẹp để chuẩn bị cho việc hò hẹn.

Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.

Đến với Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm du khách như được đến với một mảnh đất đậm chất mộc mạc, đơn sơ và thôn dã. Người dân nơi đây thường trồng ngô trên các vách đá tai mèo và trồng rau màu, cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang dưới chân núi. Hơn thế nữa, vào trong bản làng, du khách sẽ được tận mắt thấy những ruộng rau xanh mướt trồng ngay trong các nhà dân, không thuốc bảo vệ thực vật nên rất sạch sẽ và đảm bảo an toàn. 

 

Lũng Cẩm trở nên nổi tiếng khi trước kia đã được bộ phim Chuyện của Pao chọn một ngôi nhà là bối cảnh chính. Điều này càng khẳng định nơi đây là một mảnh đất giàu truyền thống và có nhiều nét văn hóa đặc sắc và đặc trưng của đồng bào Mông cũng như của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. 

Vùng đất Hoàng Su Phì là một huyện biên giới của tỉnh Hà Giang. Nơi đây không chỉ có thiên nhiên trong lành mà còn hấp dẫn du khách bởi những mảnh ruộng bậc thang trải dài, đã được công nhận là di sản Quốc gia, có lịch sử rất lâu đời – một trong những điểm lâu đời nhất trên thế giới. Hệ Thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rất rộng những nơi như ruộng bậc thang bản Luốc, Sán Sả Hồ của người dao áo dài và người Nùng rộng đến 200 ha, đẹp hơn rất nhiều so với ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải và Sa Pa.

Một lần thử cùng tham gia thu hoạch lúa chín cùng người dân ở Hoàng Su Phì, bạn sẽ cảm nhận được những nét hồn hậu của cuộc sống nơi đây, những đứa trẻ nằm ngủ ngon lành trên lúa vàng đợi cha mẹ gặt và tuốt lúa trên thửa ruộng nhà mình. Dẫu công việc thu hoạch có vội vàng hối hả thì bạn vẫn sẽ  thấy thật tuyệt vì chỉ cần ngước mắt lên thôi là trời đất bao la khung cảnh hữu tình.

Chợ tình Khâu Vai là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chợ tình Khâu Vai (Khâu Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ “Phong Lưu”. Mỗi năm một lần nhằm ngày 27 tháng 3 âm lịch phiên chợ này lại lại trở lại như một nốt nhạc rộn ràng, reo vui trên mảnh đất Mèo Vạc có đá và hoa.

Chợ Tình Sapa là nơi hò hẹn của những đôi trai gái yêu nhau thì Chợ tình Khâu Vai cũng vậy nhưng đó lại là một câu chuyện tình yêu dang dở. Họ đến, trao nhau những yêu thương sau một đêm, rồi sáng mai khi phiên chợ tan, tình tan, họ lại trở về sống với người chồng, người vợ, mà không có sự hờn ghen hay trách móc.  Họ coi đó như sự chia sẻ với cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra hết ngày chợ 27/3. Sau ngày này “cửa lòng” phải đóng lại.

Có những người ở xa, cách Chợ tình Khâu Vai đến vài quả núi vẫn không quản ngại. Chân họ vượt núi cao, lô nhô đá tai mèo để tìm về bến đợi yêu thương. Đêm xuống, Chợ tình Khâu Vai trở nên thơ mộng bởi những điệu hát phưn, hát lượn, tiếng khèn Mông gọi bạn tình da diết. Những chàng trai chuyện trò, đợi bạn bên bát rượu ngô chếnh choáng; các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp.

Đến miền đá lạnh Hà Giang người ta nghĩ phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ.

Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thị xã Hà Giang, kiếm một góc quán và gọi món cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị. Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm…

Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.

Chè Shan Tuyết được trồng ở khắp các huyện của Hà Giang, nhiều nơi có cây cổ thụ cao tầm 300 – 1000m. Ai đã từng thưởng thức chè Shan Tuyết Hà Giang thì chắc hẳn khó có thể quên được hương vị thơm ngon của chúng. Loại chè này sạch, khi chăm sóc, người dân sử dụng biện pháp tự nhiên nên không hề có những hóa chất độc hại. Và chè Shan tuyết được thu hoạch 4 vụ trong năm nên tới Hà Giang, du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.

Lạp xưởng có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.

Sau Những ngày khám phá vùng đất địa đầu tổ quốc, trở về nhà bạn đừng quên mua những món đặc sản của vùng đất Hà Giang làm quà cho người thân nhé. 

     Rượu Ngô                                                  Chè Shan Tuyết

 

 

         Cam sành Bắc Quang                               Bánh Tam Giác Mạch

Liên hệ ngay với Công ty du lịch Việt Thiên Tâm chúng tôi cùng bạn chinh phục vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Công ty du lịch Việt Thiên Tâm (VTT Travel )

Trung tâm điều hành và hướng dẫn du lịch

Trụ sở: Số 3, ngõ 225 Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.

VPGD 1: P 1005 tầng 10 Tòa nhà CT.B 789, Bộ Quốc Phòng, Mỹ Đình ,Từ Liêm- Hà Nội.

VP TPHCM 2: 121 Bàu Cát 4, Phường 14, Quận Tân Bình, TPHCM

Điện thoại: 0462979935 , Hotline 0989503460. 0918106236

Email: Vietthientam279@gmail.com, Website:Vietthientamtravel.com

Số Tài khoản: 19027510140011

Mã số thuế: 0106651788

Xin chân thành cảm ơn!

VIỆT THIÊN TÂM TRAVEL CHỮ TÂM LÀ THƯƠNG HIỆU!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0965036161
Liên hệ